Tiêu chảy là một tình trạng bệnh thường gặp ở trẻ em mà cha mẹ thường chủ quan trong vấn đề chăm sóc. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy mà cha mẹ cần chú ý qua bài viết dưới đây!

1. Thế nào là tiêu chảy ở trẻ em?

Để nhận biết các dấu hiệu của tiêu chảy ở trẻ em, cha mẹ cần biết đặc điểm đi ngoài bình thường của trẻ. Tiêu chảy ở trẻ em có sự thay đổi cả về tính chất phân và số lần đi ngoài trong ngày.

1.1. Đi ngoài bình thường ở trẻ em

Do chế độ ăn của trẻ thay đổi theo lứa tuổi nên đặc điểm đi ngoài của trẻ cũng sẽ thay đổi theo. Tùy vào từng giai đoạn phát triển, trẻ có số lần đi ngoài trong ngày và đặc điểm phân khác nhau.

Số lần đi ngoài trong ngày:

  • Trẻ sơ sinh: Trong 1 tuần đầu sau sinh, trẻ có thể đi ngoài 4 – 5 lần / ngày là hoàn toàn bình thường. Trẻ sau 1 tuần tuổi đi ngoài 2- 3 lần / ngày.
  • Từ sau giai đoạn sơ sinh, hệ tiêu hóa dần ổn định, phân của trẻ trở nên đặc hơn, số lần đi ngoài trong ngày sẽ giảm dần.
  • Từ sau 1 tuổi, trẻ thường đi ngoài 1 lần mỗi ngày.

Đặc điểm phân thay đổi tùy theo chế độ ăn của trẻ:

  • Phân su là phân bình thường của trẻ ngay sau sinh. Phân su có màu xanh đen hoặc xanh thẫm, quánh dính và không có mùi.
  • Trẻ bú mẹ: Phân của trẻ bú mẹ có màu vàng, sền sệt, mùi hơi chua.
  • Trẻ ăn sữa công thức: Phân có màu vàng nâu, đặc hơn, mùi thối.
  • Màu sắc thức ăn đôi khi có ảnh hưởng đến màu phân của trẻ như thanh long đỏ, củ dền có thể đi ngoài phân màu đỏ,…
dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy phân biệt qua màu sắc phân
Màu phân thể hiện tình trạng sức khỏe hệ tiêu hóa của bé

1.2. Tiêu chảy ở trẻ em

Tiêu chảy ở trẻ em là bệnh lý thường gặp và là nguyên nhân gây tử vong cao. Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng và chậm phát triển của trẻ nhỏ. Tại Việt Nam, trung bình trẻ dưới 5 tuổi mắc 1 – 2 đợt tiêu chảy / năm.

Theo Bộ Y tế, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần một ngày. Tuy nhiên, bình thường trẻ dưới 1 tháng có thể đi ngoài 2 – 3 lần mỗi ngày nên việc xác định trẻ bị tiêu chảy còn phải dựa vào tính chất phân và các triệu chứng khác kèm theo.

Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy xuất hiện cấp tính và kéo dài dưới 14 ngày. Tình trạng tiêu chảy kéo dài trên 14 ngày được định nghĩa là tiêu chảy kéo dài, khi đó cha mẹ cần cho con đi khám để xác định nguyên nhân cũng như có biện pháp điều trị phù hợp.

1.3. Phân biệt tiêu chảy, phân sống và hoa cà hoa cải

Tính chất phân của trẻ em thay đổi theo từng giai đoạn và thể hiện tình trạng sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ. Nhiều cha mẹ khá lo lắng khi thấy trẻ đi ngoài có phân gần giống với tiêu chảy như phân sống hoặc hoa cà hoa cải. Dưới đây là cách phân biệt:

Tiêu chảyPhân sốngHoa cà hoa cải
Phân lỏng, tóe nướcPhân lỏng tách biệt phần nước và phânPhân lỏng sền sệt
Có thể màu vàng, xanhTrong phân có lẫn thức ăn chưa được tiêu hóa hết, có thể váng mỡPhân màu vàng như hoa cải, lợn cợn hạt trắng 
Thường có tổn thương tại đường tiêu hóa như tổn thương nhung mao ruột, loạn khuẩn đường ruột hoặc rối loạn sự tiết các enzyme tiêu hóaThường do bất thường nhu động ruột khiến niêm mạc ruột không hấp thu được lượng thức ăn đi vào ống tiêu hóa mà đào thải ngay ra ngoài theo phânPhân bình thường ở trẻ nhỏ dưới 4 tháng tuổi do chức năng tiêu hóa và cô đặc phân của đường tiêu hóa chưa hoàn thiện
Phân có thể sủi bọt, mùi chua, lẫn nhầy hoặc đôi khi có máu lẫn trong phân.Phân có mùi chua hoặc tanhPhân hơi chua nhẹ ở trẻ bú mẹ
Đi ngoài từ 3 lần trở lên một ngàyThường đi ngoài ngay sau ăn, trên 3 lần/ ngàyTùy theo lượng ăn hằng ngày của trẻ, có thể từ 4 – 6 lần / ngày
Có thể kèm sốt, nôn, đau bụng, quấy khóc, biếng ăn và khát nướcĐau bụng, mót đi ngoài sau khi ănTrẻ không sốt, không nôn, vẫn chơi ngoan và bú mẹ bình thường
Phân biệt tiêu chảy, phân sống và hoa cà hoa cải

2. Nhận biết các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy

2.1. Sư thay đổi về tính chất đi ngoài

  • Tăng số lần đi ngoài trong ngày so với trước đó.
  • Phân lỏng, nhiều nước hơn bình thường.
  • Phân có thể lợn cợn, hoa cà hoa cải hoặc đi phân lỏng tóe nước.
  • Phân có mùi chua hoặc mùi tanh.
  • Phân có thể có nhầy trong hội chứng lỵ.
  • Phân sủi bọt, mùi chua kèm triệu chứng sôi bụng do lượng đường trong sữa không được hấp thu, lên men trong ống tiêu hóa.
  • Phân có máu do niêm mạc ruột bị tổn thương. Đây là dấu hiệu nguy hiểm mà cha mẹ cần cho con đi khám ngay.

2.2. Triệu chứng khác kèm theo

  • Sốt gặp trong tiêu chảy do căn nguyên nhiễm trùng.
  • Đau bụng: Trẻ nhỏ có biểu hiện quấy khóc, ưỡn bụng khi đại tiện. Trẻ lớn có thể kêu đau bụng, thường đau vị trí quanh rốn.
  • Nôn: Nôn là tình trạng rối loạn tiêu hóa thường đi kèm với tiêu chảy do sự rối loạn nhu động dạ dày – ruột.
  • Biếng ăn: Biếng ăn có thể là triệu chứng của tiêu chảy hoặc là hậu quả của tình trạng nôn, đau bụng và đi ngoài khiến trẻ sợ ăn.
  • Quấy khóc: Trẻ bị tiêu chảy thường mệt, quấy khóc nhiều. Tuy nhiên đây cũng có thể là dấu hiệu sớm của mất nước. Do đó, cha mẹ cần chú ý theo dõi sát tinh thần của trẻ sau mỗi lần đi ngoài.
Trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo nôn trớ và biếng ăn
Trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo nôn trớ và biếng ăn

3. Dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tiêu chảy nặng

3.1. Dấu hiệu mất nước ở trẻ bị tiêu chảy

Mất nước là hậu quả nguy hiểm của trẻ bị tiêu chảy và là nguyên nhân chính gây đe dọa tính mạng của trẻ. Việc nhận biết dấu hiệu mất nước để xử trí bù nước kịp thời vô cùng quan trọng.

Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị mất nước:

  • Trẻ quấy khóc nhiều, kích thích, vật vã.
  • Khóc không có nước mắt.
  • Môi lưỡi khô.
  • Trẻ đòi bú hoặc kêu khát, đòi uống nước liên tục.
  • 2 mi mắt của trẻ trũng sâu hơn bình thường.
  • Trẻ tiểu ít – dấu hiệu nguy hiểm mà cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay.
Kích thích, khóc không có nước mắt là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị mất nước
Kích thích, khóc không có nước mắt là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị mất nước

3.2. Rối loạn điện giải ở trẻ tiêu chảy

Có 2 nguyên nhân thường gặp gây rối loạn điện giải (natri, kali) ở trẻ bị tiêu chảy:

  • Mất điện giải qua phân.
  • Bù nước – điện giải sai cách như bù bằng nước lọc, bù nước điện giải quá đặc hoặc quá loãng,…

Một số rối loạn điện giải có thể gặp trong tiêu chảy ở trẻ em là:

  • Tăng natri máu: trẻ kích thích, khát nước dữ dội, có thể xuất hiện co giật.
  • Hạ natri máu: trẻ li bì, ngủ nhiều, mệt mỏi, ăn kém.
  • Hạ kali máu: bụng chướng, nôn trớ hoặc có thể gặp tình trạng rối loạn nhịp tim.

3.3. Ảnh hưởng sự phát triển của trẻ

Tiêu chảy kéo dài gây kém hấp thu chất dinh dưỡng kèm theo trẻ ăn uống kém, dẫn đến cơ thể thiếu hụt nguyên liệu để hoạt động và phát triển, khiến trẻ chậm tăng cân, chậm phát triển vận động và suy dinh dưỡng.

Ngoài ra, tiêu chảy còn gây thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tiêu chảy có thể gây thiếu vitamin A gây khô mắt, giảm thị lực, thiếu kẽm gây tiêu chảy kéo dài hoặc dễ mắc thêm bệnh lý nhiễm khuẩn tại cơ quan khác như viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu,…

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài gây chậm tăng cân
Trẻ bị tiêu chảy kéo dài gây chậm tăng cân

4. Khi nào cha mẹ cần cho trẻ đi khám

Tiêu chảy ở trẻ em là bệnh lý cấp tính thường gặp và nhiều bố mẹ chủ quan cho con tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu nguy hiểm dưới đây để cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời:

  • Tiêu chảy kéo dài trên 7 ngày.
  • Tiêu chảy có kèm sốt.
  • Đi ngoài phân có máu.
  • Đi ngoài phân lỏng nhiều nước hoặc đi ngoài trên 10 lần/ ngày.
  • Dấu hiệu trẻ bị mất nước: Trẻ kích thích, quấy khóc, khóc không có nước mắt hoặc li bì, mệt nhiều, không bú hoặc không uống được và đặc biệt giảm số lượng nước tiểu. Khi đó, cha mẹ cần cho trẻ đi khám ngay tại các cơ sở y tế gần nhất.

5. Xử trí trẻ bị tiêu chảy an toàn tại nhà

Tiêu chảy ở trẻ em thường gặp nhất do căn nguyên virus, bệnh cấp tính và thường khỏi sau khi được xử trí đúng cách. Dưới đây là một số biện pháp điều trị cho trẻ tiêu chảy an toàn tại nhà:

  • Bù nước điện giải: Sử dụng dung dịch oresol chuẩn pha theo đúng tỉ lệ hướng dẫn và cho trẻ uống sau mỗi lần đi ngoài.
  • Uống men vi sinh: Men vi sinh giúp cân bằng lại hệ vi khuẩn có lợi của đường ruột và hỗ trợ làm giảm triệu chứng tiêu chảy.
  • Bổ sung kẽm: Kẽm có tác dụng làm lành những vùng niêm mạc ruột bị tổn thương, hỗ trợ hệ miễn dịch đường ruột.
  • Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cha mẹ cần cung cấp cho trẻ chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, sử dụng các loại thực phẩm dễ tiêu hóa và kích thích trẻ ăn ngon. Không để trẻ kiêng khem gây thiếu hụt năng lượng của trẻ và tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cho trẻ bị tiêu chảy..
Cha mẹ nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn đồ dễ tiêu và giàu dinh dưỡng
Cha mẹ nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn đồ dễ tiêu và giàu dinh dưỡng

6. Dự phòng tiêu chảy ở trẻ em

Một số biện pháp phòng tiêu chảy ở trẻ em cha mẹ cần nhớ:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín uống sôi, sử dụng các loại thực phẩm tươi sạch để chế biến thức ăn hằng ngày cho trẻ.
  • Vệ sinh bình sữa sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng, đặt ở nơi khô ráo.
  • Người chăm sóc trẻ cần chú ý vệ sinh tay vào các thời điểm trong ngày: trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Cho trẻ uống vaccine phòng rotavirus.
Vệ sinh bình sữa sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng để phòng bệnh tiêu chảy cho bé
Vệ sinh bình sữa sạch sẽ sau mỗi lần sử dụng để phòng bệnh tiêu chảy cho bé

Việc nhận biết các dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy và phát hiện dấu hiệu nặng của bệnh giúp cha mẹ chủ động hơn trong vấn đề chăm sóc cũng như lên kế hoạch điều trị cho bé. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh cha mẹ nhé!

Bài viết cùng chủ đề

1, Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.

2, Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh – Nguy hiểm tiềm ẩn cần được xử lý ngay lập tức !

3, Top 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy

4, Cảnh báo 3 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng cha mẹ cần lưu ý!

5, Mách mẹ 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em an toàn, đơn giản đem lại hiệu quả cao!

6, Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em – Hướng dẫn của Bộ Y tế

7, Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?

8, Tiêu chảy cấp ở trẻ em – phác đồ chuẩn theo Bộ Y tế

Tài liệu tham khảo: Diarrhea – Nemours KidsHealth

Xếp hạng post

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Trả lời