Mặc dù tiêu chảy ở trẻ nhỏ khá thường gặp. Tuy nhiên có rất nhiều cha mẹ đang mắc sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy. Cùng tìm hiểu về tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và 3 sai lầm thường gặp mà cha mẹ cần tránh qua bài viết dưới đây :

1. Nhận biết trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?

1.1. Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh là gì?

Theo định nghĩa của Bộ Y tế, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng, tóe nước 3 lần một ngày trở lên. 

Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh, tính chất đi ngoài của trẻ bình thường phụ thuộc vào số ngày tuổi, chế độ ăn cùng số lượng bữa ăn của trẻ. 

  • Với trẻ sơ sinh chế độ ăn chủ yếu là sữa mẹ hoặc sữa công thức: Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện hoàn toàn về cấu trúc và chức năng. Do đó, khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và nước của đường ruột trong tuần tuổi đầu chưa tốt.
  • Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, trẻ có thể đi ngoài 3 – 5 lần trong một ngày. Phân trong giai đoạn đầu thường sệt, màu vàng, mùi hơi chua nhẹ. 
  • Với trẻ ăn sữa công thức: lượng phân ra thường đặc hơn, vàng nâu hoặc giống đất sét, mùi thối hơn và thường số lần trẻ đi ngoài ít hơn, 2 – 3 lần / ngày.

Cha mẹ muốn biết con có bị tiêu chảy sẽ cần quan sát thấy sự thay đổi về tính chất đi ngoài của trẻ cũng như kết hợp các triệu chứng khác kèm theo.

phân của trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
Màu sắc phân thể hiện tình trạng sức khỏe của trẻ

1.2. Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?

Một số dấu hiệu nhận biết con bị tiêu chảy:

  • Tăng số lần đi ngoài kèm theo phân lỏng hơn bình thường.
  • Phân có nhầy hoặc có bọt, mùi chua hoặc tanh.
  • Trẻ nôn trớ.
  • Trẻ biếng ăn, bú kém.
  • Quấy khóc, kích thích.
  • Trẻ có thể có sốt kèm theo.

2. Hậu quả của tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

2.1. Tiêu chảy mất nước

Tiêu chảy mất nước gây giảm khối lượng tuần hoàn, khiến cơ thể không đủ lượng máu đi nuôi cơ thể. Các cơ quan không đủ máu đến nuôi dưỡng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích tuần hoàn hoặc tổn thương đa cơ quan như não, thận, tim, phổi,…

Trẻ em bị tiêu chảy gây mất nước qua phân, chất nôn hoặc mất nước qua da do trẻ sốt cao. Ngoài ra, trẻ tiêu chảy thường bú kém, quấy khóc. Làm tăng nguy cơ mất nước nếu không được bù nước điện giải đúng cách.

Một số dấu hiệu gợi ý trẻ bị mất nước như trẻ khóc nhiều, kích thích sau đó mệt lả, li bì, môi lưỡi khô, khóc không có nước mắt. Đặc biệt, giảm lượng nước tiểu, tiểu vàng sậm là dấu hiệu nặng mà cha mẹ cần chú ý theo dõi cho con đi khám bác sĩ ngay.

2.2. Tiêu chảy khiến trẻ biếng ăn, bỏ bú

Tình trạng biếng ăn, bỏ bú có thể là triệu chứng khởi phát bệnh, vừa có thể là hậu quả của bệnh. Biếng ăn có thể do trẻ bị tiêu chảy mất nước khiến trẻ mệt, li bì, bỏ bú. Hoặc nguyên nhân khác là do trẻ nôn nhiều, buồn nôn, gây giảm cảm giác thèm ăn.

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy quấy khóc, biếng ăn và có nguy cơ mất nước
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy quấy khóc, biếng ăn và có nguy cơ mất nước

2.3. Tiêu chảy gây chậm tăng cân

Nguồn dinh dưỡng của trẻ sơ sinh chủ yếu là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Khi trẻ bị tiêu chảy, đồng nghĩa với chức năng của đường tiêu hóa đang bị tổn thương, làm giảm hấp thu chất dinh dưỡng có trong sữa. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy thường biếng ăn, ăn giảm kèm theo nôn, khiến cho tình trạng thiếu dinh dưỡng càng nghiêm trọng. Do đó, trẻ sơ sinh bị tiêu chảy gây thiếu hụt năng lượng và nguyên liệu để trẻ phát triển thể chất và vận động, biểu hiện tình trạng chậm tăng cân.

3. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

3.1. Tại sao trẻ sơ sinh dễ bị tiêu chảy

Một số yếu tố nguy cơ gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh:

  • Chế độ ăn dạng lỏng, có thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức.
  • Đường tiêu hóa chưa hoàn thiện cả về cấu trúc, chức năng, men tiêu hóa chưa đủ cả về số lượng và chất lượng.
  • Hàng rào vi khuẩn chí đường ruột chưa phát triển đầy đủ, tạo điều kiện cho vi khuẩn ngoại lai dễ dàng xâm nhập.
  • Hệ miễn dịch toàn thân và tại chỗ của trẻ non yếu, dễ dàng bị tấn công bởi các yếu tố bên ngoài.

3.2. Nguyên nhân do nhiễm trùng

  • Virus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ. Tiêu chảy do virus thường khởi phát rầm rộ. Trẻ thường có biểu hiện nôn trớ, biếng ăn, quấy khóc, có thể kèm sốt cao và sau đó xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng nước. Bệnh thường khởi phát nhanh và khỏi trong khoảng 3 – 5 ngày nếu trẻ được chăm sóc đúng cách.
Rotavirus là căn nguyên hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Rotavirus là căn nguyên hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
  • Vi khuẩn: Do hệ vi khuẩn chí đường ruột của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, nên khi có sự xâm nhập vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài, trẻ sẽ biểu hiện tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn. Trẻ thường sốt cao, kèm đi ngoài phân nhầy, có thể lẫn máu trong phân do vi khuẩn làm tổn thương niêm mạc ruột.

3.3. Sai lầm trong chế biến đồ ăn

  • Cho trẻ tập ăn dặm sớm: Men tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ. Do đó, sữa là nguồn thức ăn chính và hoàn toàn của trẻ giai đoạn này. Việc cho trẻ sơ sinh ăn dặm sớm gây ảnh hưởng đường tiêu hóa của trẻ, gây tình trạng rối loạn chức năng hấp thu của đường ruột và xuất hiện tình trạng tiêu chảy.
  • Không đảm bảo vệ sinh: Con đường gây bệnh tiêu chảy chủ yếu là qua đường tiêu hóa. Không vệ sinh bình sữa đúng cách là nguyên nhân thường gặp dẫn đến tình trạng tiêu chảy.

3.4. Dùng thuốc

  • Dùng kháng sinh: Kháng sinh dùng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn có thể tiêu diệt chính hệ vi khuẩn có lợi của đường tiêu hóa. Loạn khuẩn ruột gây hiện tượng kém hấp thu và trẻ biểu hiện tình trạng tiêu chảy.

3.5. Bệnh lý tại đường ruột

Một số bệnh lý đường ruột có thể gặp ở giai đoạn sơ sinh gây tình trạng tiêu chảy:

  • Bất dung nạp đường.
  • Bệnh xơ nang.
  • Viêm ruột hoại tử: là một cấp cứu trong nhi khoa.
  • Hội chứng ruột ngắn: Thường ở những trẻ sau phẫu thuật cắt đoạn ruột do teo ruột, tắc ruột sơ sinh, viêm ruột hoại tử,

4. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?

4.1. Nhận biết sớm tiêu chảy và phát hiện các dấu hiệu nặng

Dấu hiệu nhận biết con bị tiêu chảy:

  • Đi ngoài phân lỏng trên 3 lần mỗi ngày.
  • Phân có nhầy, máu.
  • Phân có bọt, mùi chua.
  • Có thể nôn, buồn nôn.
  • Biếng ăn, quấy khóc.

Một số dấu hiệu nặng cha mẹ cần chú ý cho con đi khám ngay:

  • Trẻ quấy khóc nhiều, liên tục, khóc không ra nước mắt.
  • Trẻ ngủ nhiều, mệt, li bì.
  • Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu.
  • Sốt cao liên tục.

4.2. Chăm sóc trẻ sơ sinh tiêu chảy tại nhà đúng cách

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy không do các bệnh lý tại ruột có thể điều trị tại nhà dưới sự tư vấn của bác sĩ.

  • Cho trẻ bú mẹ tăng lên: Chia nhỏ các bữa bú và tăng khoảng cách bữa bú để giảm tình trạng nôn.
  • Bổ sung nước điện giải cho trẻ: Pha Oresol cho trẻ đúng tỷ lệ và cho trẻ uống đổ thìa ít một sau mỗi lần đi ngoài.
  • Mẹ bé cần chú ý tránh sử dụng các loại thức ăn mà trẻ bị dị ứng.
  • Với trẻ đi ngoài phân bọt, mùi chua, mẹ có thể sử dụng dạng sữa free-lactose cho trẻ.
Bổ sung đủ lượng sữa trong ngày khi trẻ bị tiêu chảy
Bổ sung đủ lượng sữa trong ngày khi trẻ bị tiêu chảy

4.3. Một số sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy

Thông thường khi trẻ bị tiêu chảy, nhiều cha mẹ sẽ tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như mất nước nặng, rối loạn điện giải hoặc gây tiêu chảy kéo dài. Dưới đây là một số sai lầm trong chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy:

  • Thay đổi nhiều loại sữa khi thấy con tiêu chảy: Điều này khiến cho hệ tiêu hóa của trẻ đang tổn thương phải tăng hoạt động để hấp thụ sữa mới.
  • Cho trẻ bú vặt, không theo cữ với tâm lý sợ con đói. Điều này khiến đường ruột của trẻ phải hoạt động liên tục.
  • Tự dùng thuốc kháng sinh để điều trị: Kháng sinh chỉ định không đúng sẽ tấn công chính hệ vi khuẩn có lợi của đường ruột, gây loạn khuẩn ruột, dẫn đến tiêu chảy tăng nặng và kéo dài.
  • Bù dung dịch nước điện giải không đúng chuẩn: Việc pha dung dịch oresol sai tỷ lệ có nguy cơ gây tiêu chảy nặng hơn và rối loạn điện giải trầm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng trẻ.
  • Dùng thuốc cầm ỉa cho trẻ không đúng cách: Thuốc cầm ỉa có tác dụng làm đặc phân, ngăn tình trạng đi ngoài. Bởi vậy, trong những trường hợp tiêu chảy do nhiễm trùng, thuốc làm chậm quá trình đào thải căn nguyên gây bệnh ra bên ngoài, dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài.
Bù oresol sai cách gây nguy hiểm tính mạng trẻ
Bù oresol sai cách gây nguy hiểm tính mạng trẻ

5. Phòng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh ở giai đoạn đầu rất non yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau gây tình trạng tiêu chảy. Do đó, việc chăm sóc tốt giúp phòng tiêu chảy ở trẻ em. Sau đây là biện pháp dự phòng tiêu chảy ở trẻ sơ sinh:

  • Sữa mẹ là nguồn thức ăn chính cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Trẻ được cho bú mẹ trực tiếp sẽ hạn chế nguy cơ bị tiêu chảy hơn so với trẻ bú bình.
  • Với trẻ bú bình, mẹ cần chú ý vệ sinh bình sữa sạch sẽ, hấp tiệt trùng và bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ.
Vệ sinh bình sữa cho bé sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Vệ sinh bình sữa cho bé sạch sẽ để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
  • Cha mẹ nhớ vệ sinh tay vào các thời điểm: trước khi chuẩn bị sữa cho bé, sau khi đi vệ sinh và sau khi dọn bỉm cho trẻ.
  • Trẻ nhỏ có thói quen cho tay, chân và đồ vật khác vào miệng. Do đó, cha mẹ nên vệ sinh tay chân và tắm cho bé thường xuyên.
  • Nếu trẻ gặp vấn đề về tiêu hóa với sữa, mẹ nên tham khảo các dòng sữa ít đường, dễ tiêu và cung cấp năng lượng cao cho trẻ. Không cho trẻ sơ sinh uống sữa tươi, sữa hộp.
  • Nếu bé cần dùng thuốc kháng sinh, cha mẹ có thể tham khảo kết hợp các loại men vi sinh để hỗ trợ hệ tiêu hóa cho trẻ. Chú ý kháng sinh trong điều trị tiêu chảy nên được uống trước ăn khoảng 30 phút. Đồng thời, cho bé sử dụng men vi sinh sau ăn khoảng 2 giờ để thuốc đạt hiệu quả tối ưu.

Kết luận

Trẻ sơ sinh cần được chăm sóc cẩn thận trong những ngày đầu đời. Hy vọng qua bài viết trên, các mẹ bỉm sữa đã biết cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy cũng như cách phòng bệnh cho bé. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh bạn nhé!

Bài viết cùng chủ đề

1, Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.

2, Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh – Nguy hiểm tiềm ẩn cần được xử lý ngay lập tức !

3, Top 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy

4, Cảnh báo 3 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng cha mẹ cần lưu ý!

5, Mách mẹ 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em an toàn, đơn giản đem lại hiệu quả cao!

6, Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em – Hướng dẫn của Bộ Y tế

7, Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?

8, Tiêu chảy cấp ở trẻ em – phác đồ chuẩn theo Bộ Y tế

Tài liệu tham khảo: Diarrhea – Nemours KidsHealth

Xếp hạng post

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Trả lời