Có nhiều mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em được cha mẹ tin tưởng và truyền tai nhau sử dụng. Liệu những mẹo dân gian có đem lại hiệu quả và an toàn khi sử dụng cho bé hay không? Cùng tìm hiểu 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em an toàn và hiệu quả cao qua bài viết dưới đây!

1. Bù nước điện giải đúng cách

Nguyên tắc đầu tiên trong điều trị tiêu chảy cấp là bù nước và điện giải. Việc này phải làm kịp thời để hạn chế biến chứng cũng như làm giảm triệu chứng và hỗ trợ đường ruột nhanh chóng hồi phục.

Oresol là dung dịch bù nước điện giải quen thuộc và thông dụng, sử dụng được cho nhiều đối tượng khác nhau.Thành phần của oresol có chứa đường và các điện giải cần thiết cho cơ thể. Khi pha với nước cần pha đúng tỷ lệ phù hợp để đường tiêu hóa hấp thu. Do đó, loại thuốc này có công dụng bổ sung nước và điện giải cho cơ thể nên thường được sử dụng trong các trường hợp như tiêu chảy cấp, nôn nhiều, mất nước do say nắng,…

Cách dùng:

  • Cách pha dung dịch nước điện giải: Pha 1 gói Oresol với lượng nước quy định ghi trên bao bì để có dung dịch đạt chuẩn nồng độ. Dùng nước đun sôi để nguội pha dung dịch oresol.
  • Cho trẻ uống chậm, từng thìa, trong khoảng 10 – 15 phút mỗi lần. Không cho trẻ uống nhanh, nhiều trong một lần.
  • Liều dùng cho trẻ tiêu chảy:
  • Trẻ nhũ nhi: uống 50ml/lần, ngày uống khoảng 2 – 3 lần.
  • Trẻ 2 – 6 tuổi: uống 100ml/lần, ngày uống 2 – 3 lần.
  • Trẻ 6 – 12 tuổi: uống 150ml/lần, ngày uống 2 – 3  lần.

Một số lưu ý khi sử dụng dung dịch oresol:

  • Pha dung dịch đúng tỷ lệ: Sử dụng dung dịch oresol quá đặc gây tăng Natri máu, nguy cơ co giật và hôn mê do tổn thương não. Sử dụng dung dịch quá loãng gây giảm hiệu quả của oresol, có thể làm tiêu chảy nặng hơn.
  • Dung dịch oresol sau khi pha chỉ sử dụng trong vòng 24 giờ. Không nên bỏ  tủ lạnh bảo quản cho trẻ sử dụng vào ngày hôm sau.
  • Chỉ sử dụng nước đun sôi để nguội (nước lọc) để pha dung dịch oresol. Không sử dụng các loại nước khác như sữa, nước ép, nước khoáng,…
  • Không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng gây sai lệch tỷ lệ các thành phần có trong mỗi gói oresol.
  • Không được thêm bất cứ gia vị nào khác (đường, mật ong, muối,…)
  • Không đun sôi dung dịch oresol.
Mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em là dùng oresol
Oresol là loại dịch bổ sung nước – điện giải được sử dụng phổ biến

2. Nước dừa

Nước dừa là thức uống tươi mát, thường dùng trong giải khát mùa hè. Ngoài ra, nhờ thành phần rất giàu khoáng chất cần thiết, nước dừa còn được sử dụng để bổ sung nước và điện giải trong điều trị tiêu chảy. Một số công dụng tuyệt vời của nước dừa mà cha mẹ có thể tham khảo:

  • Loại nước ngọt lành, giàu điện giải với tỷ lệ glucose và kali phù hợp những bệnh nhân mắc tiêu chảy đang cần bổ sung nước.
  • Thành phần có chứa nhiều vitamin và dưỡng chất, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch cho trẻ.
  • Có chứa acid lauric, sau khi vào hệ tiêu hóa chuyển thành monolaurin có khả năng kháng khuẩn và virus đường ruột, giúp nhanh chóng loại bỏ các tác nhân gây tiêu chảy.

Một số lưu ý khi sử dụng nước dừa cho trẻ tiêu chảy:

  • Không nên uống nước dừa khi đói vì có thể gây đau bụng và ớn lạnh.
  • Không cần thêm đường mà nên cho trẻ sử dụng nước dừa nguyên chất.
  • Nên sử dụng giống như dung dịch oresol: Uống chậm từng ngụm, không uống quá nhanh và nhiều một lúc mà chia ra uống nhiều lần trong ngày.
nước dừa cũng là mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em
Nước dừa đem lại hiệu quả tốt trong điều trị tiêu chảy ở trẻ em

3. Nước cháo muối

Nước cháo muối là mẹo dân gian được sử dụng để bù nước và điện giải cho trẻ bị tiêu chảy mất nước. Bằng những nguyên liệu đơn giản sẵn có hằng ngày, các mẹ có thể chế biến thành thức uống bổ sung nước, điện giải và tinh bột cho trẻ.

Cách chế biến nước cháo muối cho trẻ tiêu chảy:

  • Chuẩn bị nguyên liệu: 1 nắm gạo (50 gram), 1 thìa cafe hoặc 1 nhúm muối (3,5 gram) và 6 bát nước ăn cơm (mỗi bát tương đương 200ml).
  • Cho các nguyên liệu trên vào nồi, đun sôi và ninh khoảng 15 – 20 phút cho hạt gạo nở bung.
  • Tắt bếp, để hỗn hợp nguội bớt.
  • Lọc lấy phần nước cháo cho trẻ uống, cách sử dụng tương tự như dung dịch oresol.
Nước cháo muối đơn giản đem lại hiệu quả tốt trong điều trị tiêu chảy
Nước cháo muối đơn giản đem lại hiệu quả tốt trong điều trị tiêu chảy

4. Nước muối đường

Nước muối đường được xem là cứu tinh trong điều trị tiêu chảy cấp có mất nước. Khi cha mẹ chưa kịp chuẩn bị dung dịch oresol cho bé thì có thể tận dụng. Nhờ cách pha chế đơn giản, cha mẹ có thể pha chế nhanh chóng và sử dụng cho trẻ.

Cha mẹ có thể pha chế nước muối đường đơn giản giúp bổ sung nước và điện giải cho trẻ tiêu chảy cấp. Cách làm là hòa tan 8 thìa cafe đường, 1 thìa cafe muối với 1 lít nước đun sôi để nguội. Dung dịch thu được có thành phần và tỷ lệ gần giống với dung dịch oresol. Do đó, cha mẹ có thể sử dụng với cách tương tự oresol để bổ sung cho trẻ.

5. Búp lá ổi

Thành phần tanin có trong lá ổi có công dụng làm săn se niêm mạc. Tác dụng này giúp nhanh lành các tổ chức niêm mạc ruột bị tổn thương và ngăn tình trạng tiêu chảy. Cha mẹ nên sử dụng những búp lá ổi non để giảm bớt độ chát. Chú ý phải rửa sạch bụi bẩn trên bề mặt trước khi cho trẻ sử dụng để tránh làm tăng tình trạng tiêu chảy.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể nghiền nát hoặc giã nhuyễn búp lá ổi. Sau đó, chắt lấy phần nước cốt cho trẻ uống. Với trẻ lớn, có thể cho trẻ nhai trực tiếp búp ổi non đã được rửa sạch.

Cha mẹ lưu ý rằng, thành phần có trong búp ổi chỉ giúp làm giảm triệu chứng đi ngoài với tính chất tạm thời. Do đó, trong những trường hợp tiêu chảy do căn nguyên nhiễm trùng, sử dụng búp lá ổi không đem lại hiệu quả. Lý do là vì không loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Khi đó, cha mẹ nên cho trẻ đi khám và điều trị tại cơ sở y tế để ngăn tiêu chảy nặng lên hoặc tiến triển thành tiêu chảy kéo dài.

Lưu ý, biện pháp chỉ đạt hiệu quả khi được dùng đúng cách. Cha mẹ không nên lạm dụng hay sử dụng kéo dài. Khi thấy không đem lại hiệu quả, cha mẹ nên ngưng sử dụng và cho trẻ đi khám bác sĩ để được khám và điều trị hợp lý.

Búp lá ổi chữa tiêu chảy hiệu quả
Búp lá ổi chữa tiêu chảy hiệu quả

6. Nước gạo lứt rang

Gạo lứt là loại gạo còn giữ lớp cám giàu dinh dưỡng. Ngoài công dụng bù nước, điện giải, gạo lứt còn cung cấp một lượng chất xơ giúp kích thích lưu thông ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa của trẻ . Từ đó, giảm lượng nước trong phân, làm đặc phân và ngăn tình trạng đi ngoài.

Cách chế biến nước gạo lứt rang cho trẻ bị tiêu chảy:

  • Chuẩn bị 100 gram gạo lứt, vo sạch và để ráo nước.
  • Đun nóng chảo rồi cho gạo lứt vào đảo đều tay, đến khi gạo dậy mùi thơm.
  • Thêm vào 500 ml nước sạch và 1/2 thìa cafe muối.
  • Đun sôi sau đó để lửa nhỏ trong khoảng 5 phút.
  • Tắt bếp, để nguội.
  • Lọc qua rây, lấy phần nước gạo rang cho trẻ sử dụng.
Nước gạo lứt rang giúp làm giảm tình trạng đi ngoài phân lỏng
Nước gạo lứt rang giúp làm giảm tình trạng đi ngoài phân lỏng

7. Trà vỏ cam

Trà vỏ cam là công thức dân gian được dùng với mục đích khác nhau nhờ công dụng dược lý trên các hệ cơ quan. Thông thường cha mẹ sử dụng các loại cam cho trẻ ốm, trẻ tiêu chảy mà bỏ quên đi một loại nguyên liệu quý đó là vỏ cam. Sử dụng trà vỏ cam có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột, tăng hấp thu chất dinh dưỡng và tái hấp thu nước, ngăn tình trạng tiêu chảy. Đặc biệt, trà vỏ cam phát huy công dụng tối ưu trên những trẻ tiêu chảy triệu chứng do bệnh lý tại cơ quan hô hấp.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên sử dụng vỏ cam tươi trực tiếp do thành phần tinh chất tươi có nguy cơ gây rối loạn nhu động ruột, kèm theo ngoài vỏ có chứa hàm lượng chất bảo quản gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Dưới đây là cách sử dụng trà vỏ cam cho trẻ tiêu chảy mà cha mẹ có thể tham khảo:

  • Rửa sạch phần vỏ cam và ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút – 1 giờ. Vớt ra để ráo nước.
  • Thái nhỏ thành sợi vừa đủ theo kích thước mong muốn.
  • Đem phơi dưới ánh nắng mặt trời hoặc sử dụng lò nướng, nồi chiên không dầu. Đến khi miếng vỏ cam khô, săn.
  • Đợi nguội và bảo quản trong hộp kín.
  • Mỗi lần sử dụng, lấy lượng vỏ cam vừa đủ cho vào cốc nước đun sôi, đậy nắp và đợi khoảng 15 – 30 phút cho lượng tinh dầu tiết ra tối đa.
  • Lọc bỏ phần vỏ và sử dụng cho trẻ uống trong ngày.
Trà vỏ cam hỗ trợ đường tiêu hóa, chữa tiêu chảy hiệu quả
Trà vỏ cam hỗ trợ đường tiêu hóa, chữa tiêu chảy hiệu quả

8. Lá mơ

Lá mơ là loại thảo mộc có vị đắng nhẹ, tính hàn, được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau nhờ đem lại nhiều công dụng tuyệt vời trong chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Lá mơ được sử dụng trong điều trị các chứng đầy bụng, chậm tiêu, đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, mụn nhọt, viêm phế quản,…

Dưới đây là bài thuốc chữa bệnh từ lá mơ mà các mẹ có thể tham khảo điều trị chứng lỵ (do trực khuẩn lỵ hoặc amip) cho bé:

  • Chuẩn bị khoảng 30 gram lá mơ, rửa sạch, để ráo.
  • Thái nhuyễn lá mơ, trộn đều với 1 quả trứng gà, thêm ít muối và trộn đều hỗn hợp.
  • Dàn mỏng đều lên 1 lớp lá chuối sạch, đặt vào chảo hoặc bếp nướng
  • Nướng với mức nhiệt vừa, đến khi xém lớp lá chuối thì lót thêm lá và lật mặt cho chín đều.
  • Cho trẻ ăn ngày 2 lần, trong 3 ngày.

Ngoài ra, mẹ có thể sử dụng nước lá mơ cho trẻ tiêu chảy uống hằng ngày. Giã nhuyễn 16 gram lá mơ đã rửa sạch, thêm vào 200ml nước đun sôi để nguội. Chia nhỏ hỗn hợp trên cho trẻ uống rải rác trong ngày.

Lá mơ có hiệu quả trong chữa chứng tiêu chảy do lỵ
Lá mơ có hiệu quả trong chữa chứng tiêu chảy do lỵ

9. Nước cỏ sữa

Thân và lá cây cỏ sữa có chứa hoạt chất cosmosiin, phần rễ cây chứa myricyl alcohol, taraxerol có tác dụng phục hồi niêm mạc ruột bị tổn thương và ức chế hoạt động mạnh mẽ của vi khuẩn, virus gây bệnh. Theo đông y, cây cỏ sữa có tính hàn, giúp giải độc, thanh nhiệt hiệu quả. Các thành phần trong cây cỏ sữa lành tính nên có thể sử dụng trị tiêu chảy ở trẻ em, kể cả nhóm trẻ nhỏ dưới 6 tháng.

Cách chế biến nước cỏ sữa cho trẻ tiêu chảy:

  • Chuẩn bị 20 gram cây cỏ sữa lá nhỏ (cả thân và lá), nhặt bỏ các phần héo, hỏng, rửa sạch và để ráo.
  • Xay mịn với 200ml nước đun sôi để nguội. Hoặc giã nhuyễn và thêm nước.
  • Có thể lọc qua rây hoặc khăn vải sạch để thu phần nước cỏ sữa cho trẻ sử dụng.
  • Lưu ý chỉ nên sử dụng loại cỏ sữa lá nhỏ: thân đỏ, lá nhỏ, mọc từng cụm, cách mặt đất khoảng 10cm.
Lưu ý sử dụng loại cỏ sữa lá nhỏ để chữa tiêu chảy cho trẻ
Lưu ý sử dụng loại cỏ sữa lá nhỏ để chữa tiêu chảy cho trẻ

10. Nước hồng xiêm

Hồng xiêm chín là thức quả ngọt mát được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nhiều người chưa biết đến công dụng tuyệt vời đến từ quả hồng xiêm xanh. Trong hồng xiêm xanh có chứa hàm lượng tanin, giúp săn se niêm mạc ruột và trị chứng tiêu chảy ở cả người lớn và trẻ em.

Cách sử dụng hồng xiêm xanh trị tiêu chảy cho bé:

  • Rửa sạch 1 quả hồng xiêm xanh (khoảng 15-20 gram).
  • Cho vào nồi đun với 200ml nước, đun lửa vừa để phần tinh chất trong hồng xiêm xanh tiết ra tối đa, đến khi phần nước còn khoảng 100ml thì tắt bếp.
  • Lấy phần nước chia ra uống 2 lần trong ngày. Sử dụng trong 3 – 5 ngày để thấy được hiệu quả rõ rệt.

11. Lưu ý khi dùng mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em

Một số điều cha mẹ cần lưu ý khi áp dụng các mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em:

  • Mỗi biện pháp đều có cơ chế tác dụng và đem lại hiệu quả nhất định. Biện pháp này có thể phát huy tác dụng trên nhóm trẻ này nhưng đôi khi lại không có tác dụng với các trẻ khác.
  • Mẹo dân gian chỉ có tác dụng cải thiện triệu chứng đi ngoài mang tính tạm thời, không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh, do đó không có tác dụng điều trị khỏi hoàn toàn tình trạng tiêu chảy do các nguyên nhân nhiễm trùng.
  • Sử dụng cần thận trọng cho trẻ, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ dưới 6 tháng do có nguy cơ mất nước cao và diễn biến bệnh nhanh.
  • Cha mẹ cần theo dõi dấu hiệu đi ngoài và nhận biết các dấu hiệu nặng để cho trẻ đi khám bác sĩ kịp thời.
  • Không được lạm dụng các mẹo dân gian để cầm ỉa trong thời gian dài. Cha mẹ nên ngừng ngay khi thấy tiêu chảy nặng lên hoặc tình trạng tiêu chảy không cải thiện sau 2 ngày áp dụng. Lưu ý không nên sử dụng các mẹo dân gian quá 1 tuần bị bệnh.

Trên đây là 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em hiệu quả cao mà các mẹ có thể thực hiện dễ dàng tại nhà. Lưu ý tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện các mẹ nhé! Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh cha mẹ nhé!

Bài viết cùng chủ đề

1, Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.

2, Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh – Nguy hiểm tiềm ẩn cần được xử lý ngay lập tức !

3, Top 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy

4, Cảnh báo 3 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng cha mẹ cần lưu ý!

5, Mách mẹ 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em an toàn, đơn giản đem lại hiệu quả cao!

6, Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em – Hướng dẫn của Bộ Y tế

7, Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?

8, Tiêu chảy cấp ở trẻ em – phác đồ chuẩn theo Bộ Y tế

Tài liệu tham khảo: Diarrhea – Nemours KidsHealth

Xếp hạng post

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Trả lời