Tiêu chảy cấp ở trẻ em là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nhập viện. Bệnh có thể diễn biến nhanh và gây biến chứng đe dọa tính mạng trẻ nếu không được xử trí đúng cách. Cha mẹ hãy cùng tìm hiểu ngay về bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em qua bài viết dưới đây!
1. Tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì?
Theo Bộ Y tế quy định, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên mỗi ngày. Trẻ bị tiêu chảy cấp có thể gặp các biến chứng như mất nước nặng, rối loạn điện giải, nếu không được xử trí kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ hoặc gây tiêu chảy kéo dài.
Một đợt tiêu chảy được tính từ ngày đầu tiên bị tiêu chảy đến khi trẻ đi phân bình thường ít nhất 2 ngày. Tiêu chảy cấp là tình trạng tiêu chảy khởi phát cấp tính và thời gian bị bệnh kéo dài dưới 2 tuần.
2. Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em
2.1. Tiêu chảy nhiễm khuẩn
Tiêu chảy nhiễm khuẩn là tình trạng tiêu chảy kèm sốt và hội chứng nhiễm trùng, gây ra do các căn nguyên sau:
- Virus: Là nguyên nhân hàng đầu gây các đợt tiêu chảy cấp ở trẻ em. Trong đó, Rotavirus là căn nguyên chính gây tình trạng sốt, nôn trước hoặc cùng lúc với các đợt tiêu chảy cấp.
- Vi khuẩn: Có nhiều loại vi khuẩn gây tiêu chảy cấp ở trẻ em, thường gặp như E.coli, Salmonella, Shigella,… Đặc biệt nguy hiểm là phẩy khuẩn tả gây tiêu chảy cấp mất nước nặng và dễ lây lan tạo dịch.
- Ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng xâm nhập và phát triển trong hệ tiêu hóa của trẻ gây tiêu chảy cấp có phân nhầy máu như lỵ amip, cryposporodia,…
2.2. Tiêu chảy không do nhiễm trùng
Tiêu chảy không do nhiễm trùng có thể gặp do các nguyên nhân dưới đây:
- Tiêu chảy do dị ứng: Trẻ bị dị ứng thức ăn gây tình trạng nôn trớ, tiêu chảy, có thể kèm theo ban da, mẩn ngứa. Một số thực phẩm gây dị ứng thường gặp ở trẻ em như đạm sữa bò, sữa dê, tôm cua, trứng, đậu phộng,…
- Tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm: Khi trẻ xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn kèm theo đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Cha mẹ cần kiểm tra lại những thực phẩm mà trẻ đã tiếp xúc. Dấu hiệu gợi ý ngộ độc thực phẩm là trong gia đình có người biểu hiện triệu chứng tương tự.
- Tiêu chảy do thuốc: Tiêu chảy cấp có thể gặp sau khi dùng thuốc. Đặc biệt là sau dùng kháng sinh gây rối loạn hoạt động của hệ vi sinh vật đường ruột của trẻ. Tình trạng tiêu chảy sẽ cải thiện và có thể tự khỏi sau khi trẻ ngừng thuốc kháng sinh mà không cần điều trị.
- Tiêu chảy do bất dung nạp đường: Bất dung nạp đường là tình trạng thiếu hụt các men chuyển hóa lactose trong sữa. Lượng đường không được hấp thu sẽ chuyển hóa yếm khí, gây tình trạng sôi bụng kèm đi ngoài phân lỏng sủi bọt.
- Tiêu chảy do thay đổi chế độ ăn: Tiêu chảy cấp thường gặp ở nhóm trẻ 6 tháng tuổi. Vì đây là khi trẻ tập ăn dặm nên hệ tiêu hóa của trẻ chưa thích nghi với chế độ dinh dưỡng mới.
2.3. Tiêu chảy triệu chứng
Tiêu chảy triệu chứng là tình trạng phản ứng của cơ thể gây ra do các căn nguyên gây bệnh tại cơ quan khác. Có thể gặp dấu hiệu tiêu chảy trong các trường hợp viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng,viêm màng não, nhiễm khuẩn tiết niệu,…
3. Dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tiêu chảy cấp ở trẻ em thường có biểu hiện các dấu hiệu dưới đây:
- Đi ngoài phân lỏng, tóe nước.
- Đi ngoài trên 3 lần mỗi ngày.
- Phân có thể nhầy hoặc sủi bọt.
- Nôn, buồn nôn.
- Biếng ăn, bú kém.
- Đau bụng từng cơn.
- Có thể sốt trong trường hợp tiêu chảy nhiễm khuẩn.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh
4.1. Tiêu chảy cấp gây mất nước
Mất nước là biến chứng thường gặp trong tiêu chảy cấp gây mất nước qua phân, chất nôn. Ngoài ra, trẻ biếng ăn, bú kém và không được bù nước điện giải đúng cách khiến tình trạng mất nước trở nên nặng nề.
Các dấu hiệu nhận biết con bị tiêu chảy cấp mất nước:
- Trẻ quấy khóc, kích thích hoặc mệt nhiều, li bì.
- Đòi bú, uống nước liên tục, uống háo hức.
- Môi lưỡi khô, khóc không có nước mắt.
- Tiểu ít hơn bình thường.
4.2. Rối loạn điện giải
Trẻ bị tiêu chảy thường có nguy cơ hạ kali máu hoặc rối loạn natri máu. Một số nguyên nhân gây rối loạn điện giải do tiêu chảy cấp:
- Mất kali theo phân hoặc chất nôn.
- Chỉ bù nước lọc cho trẻ bị tiêu chảy cấp.
- Pha oresol quá đặc gây tăng natri máu.
Hạ kali máu gây tình trạng liệt ruột cơ năng, bụng chướng, nôn tăng lên. Trẻ có thể tạm ngừng đi ngoài do mất nhu động ruột. Trẻ bị tăng natri máu có biểu hiện quấy khóc, kích thích, khát dữ dội. Thậm chí co giật, hôn mê nếu không được xử trí kịp thời.
5. Điều trị tiêu chảy cấp
Bù nước – điện giải:
Sử dụng oresol cho trẻ sau mỗi lần trẻ đi ngoài để cung cấp đủ nước và các điện giải cần thiết cho bé. Chú ý pha oresol theo tỷ lệ hướng dẫn và cho trẻ uống chậm, từng ngụm sau mỗi lần tiêu chảy.
- Trẻ dưới 2 tuổi: 50 – 100 ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ 2 – 10 tuổi: 100 – 200 ml sau mỗi lần đi ngoài.
- Trẻ dưới 10 tuổi: bổ sung theo nhu cầu, đến khi trẻ hết khát.
Chế độ dinh dưỡng:
Chế độ dinh dưỡng trong đợt tiêu chảy vừa cung cấp năng lượng cho trẻ hoạt động vừa giúp nhanh chóng ổn định hoạt động của hệ tiêu hóa.
Bổ sung kẽm:
Bộ Y tế khuyến cáo bổ sung kẽm sớm cho trẻ bị tiêu chảy. Bổ sung từ khi trẻ có dấu hiệu bệnh và kéo dài trong khoảng 10 – 14 ngày. Kẽm giúp hỗ trợ hệ miễn dịch đường ruột và nhanh lành tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa. Trẻ dưới 6 tháng cần bổ sung 10 mg kẽm mỗi ngày và liều 20 mg hằng ngày với trẻ trên 6 tháng.
Bổ sung men vi sinh:
Men vi sinh có chứa các vi khuẩn hoặc nấm men có lợi cho đường ruột giúp cải thiện tình trạng rối loạn hệ vi sinh đường ruột trong giai đoạn tiêu chảy.
Sử dụng kháng sinh:
Cha mẹ lưu ý không tự ý dùng kháng sinh trong điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em để tránh làm tình trạng đi ngoài diễn biến nặng hơn. Chỉ sử dụng kháng sinh trong tiêu chảy nhiễm khuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Dùng thuốc cầm ỉa:
Việc lạm dụng thuốc cầm ỉa để hạn chế số lần đi ngoài phân lỏng của trẻ có thể khiến ứ trệ chất độc và chậm đào thải căn nguyên gây bệnh, gây tiêu chảy kéo dài.
6. Phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tiêu chảy cấp là nguyên nhân thường gặp khiến trẻ nhập viện. Trung bình trẻ em dưới 5 tuổi có khoảng 3 – 4 đợt tiêu chảy trong năm. Đây cũng là nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ em Việt Nam. Do đó, việc phòng bệnh tiêu chảy cấp cho trẻ vô cùng quan trọng, giúp hạn chế số đợt mắc bệnh cũng như giảm nguy cơ biến chứng do tiêu chảy cấp.
Một số biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi, sử dụng các thực phẩm tươi sạch, nguồn gốc rõ ràng và bảo quản hợp vệ sinh.
- Vệ sinh bình sữa cho trẻ sau khi bú sạch sẽ và đặt bình ở nơi khô ráo.
- Vệ sinh tay trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn.
- Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay vào các thời điểm trong ngày.
- Dọn chất thải của trẻ gọn gàng, đúng quy định vệ sinh.
- Không tự ý dùng kháng sinh, thuốc nhuận tràng cho trẻ.
- Với trẻ trong độ tuổi ăn dặm, cần chú ý thay đổi dần chế độ ăn, đồng thời ghi chép nhật ký món ăn của trẻ để phát hiện loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cho trẻ.
- Uống vaccine phòng rotavirus.
Tiêu chảy cấp ở trẻ em là tình trạng thường gặp. Xuất hiện với các biểu hiện cấp tính và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Cha mẹ cần hiểu rõ về bệnh cũng như biết cách xử trí cho trẻ bị tiêu chảy cấp tại nhà hiệu quả. Hãy chia sẻ bài viết trên đến mọi người xung quanh cha mẹ nhé!
Bài viết cùng chủ đề
1, Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.
2, Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh – Nguy hiểm tiềm ẩn cần được xử lý ngay lập tức !
3, Top 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy
4, Cảnh báo 3 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng cha mẹ cần lưu ý!
5, Mách mẹ 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em an toàn, đơn giản đem lại hiệu quả cao!
6, Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em – Hướng dẫn của Bộ Y tế
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
Giới thiệu “Bộ sản phẩm nhỏ giọt chất lượng cao cho trẻ 0-36 tháng” – Drops Family
Trẻ thiếu sắt có nguy hiểm không? Biến chứng thiếu sắt lâu ngày
Trẻ thiếu sắt nên ăn gì? Top 9 thực phẩm giàu sắt cho trẻ.
15 biểu hiệu trẻ thiếu sắt mẹ cần phải xử lý ngay