Tiêu chảy là tình trạng thường gặp ở trẻ em khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Vậy cha mẹ đã biết vì sao trẻ bị tiêu chảy? Cùng tìm hiểu Top 3 nhóm nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy qua bài viết dưới đây nhé!
1. Nhóm căn nguyên nhiễm trùng
1.1. Virus
Virus là căn nguyên hàng đầu gây tiêu chảy ở trẻ em. Tiêu chảy do virus gặp quanh năm, tăng mạnh về mùa đông, khi thời tiết lạnh. Virus nhân lên trong liên bào ruột non, gây phá hủy cấu trúc lớp nhung mao niêm mạc ruột. Khi đó, ruột non mất đi khả năng hấp thu chất dinh dưỡng. Gây nên tình trạng phân sống, phân lỏng, nhiều nước, phân có mùi chua và có bọt.
Trong đó, Rotavirus là căn nguyên thường gặp nhất, chiếm đến 50-65% số ca nhập viện do tiêu chảy. Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus thường có biểu hiện sốt, nôn trớ trước khi xuất hiện tình trạng đi ngoài phân lỏng. Thường gặp nhất ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi.
Ngoài ra, trẻ có thể bị tiêu chảy do một số virus khác như Adenovirus, Norwalk virus,….
1.2. Vi khuẩn
Vi khuẩn là căn nguyên đứng hàng thứ 2 gây tiêu chảy ở trẻ. Trong đó, chủng vi khuẩn đường ruột E.coli gây bệnh trên khoảng 25% trẻ tiêu chảy. Tiêu chảy do vi khuẩn thường gặp vào mùa hè, khi thời tiết nóng và các loại côn trùng như ruồi, nhặng,… phát triển.
Sau khi xâm nhập vào đường tiêu hóa, vi khuẩn gây tiêu chảy theo 3 cơ chế chính:
- Bám dính lên bề mặt nhung mao ruột, cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa.
- Sản xuất độc tố gây tác động lên tế bào niêm mạc ruột.
- Xâm nhập sâu xuống lớp niêm mạc, gây phá hủy lớp nhung mao ruột.
Từ đó, chúng gây rối loạn sự bài tiết dịch tiêu hóa cũng như mất đi khả năng hấp thu dinh dưỡng. Tiêu chảy nhiễm khuẩn thường biểu hiện tình trạng phân lỏng, nhầy, có thể có máu. Vi khuẩn gây tiêu chảy ở trẻ em thường gặp là vi khuẩn tả, E.coli, Shigella, Clostridium,…
1.3. Ký sinh trùng
3 loại ký sinh trùng gây tiêu chảy thường gặp là:
- Lỵ amip (E.histolytica): Amip thể hoạt động tấn công và gây loét niêm mạc đại tràng gây tiêu chảy phân nhầy máu.
- Giardia lamblia: Ký sinh trùng bám dính lên liên bào ruột gây teo lớp nhung mao ruột làm giảm khả năng hấp thu của đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng tiêu chảy kéo dài.
- Cryptosporidium: Tương tự Giardia, loại ký sinh trùng này thường gây tiêu chảy nặng, kéo dài trên những trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch.
2. Nhóm căn nguyên bệnh không nhiễm trùng
2.1. Tiêu chảy do dị ứng
Tiêu chảy do dị ứng ở trẻ em thường gặp dị ứng đạm sữa bò, sữa dê, lạc, trứng, đậu, cua đồng,… Triệu chứng tiêu chảy thường xuất hiện sau khi trẻ ăn các loại thực phẩm nghi ngờ và có thể kèm theo tình trạng nổi ban trên da. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ hết sau khi ngừng tiếp xúc với các loại thức ăn trên.
2.2. Tiêu chảy do bất thường tại ruột
- Bệnh lý viêm ruột tự miễn: Những rối loạn về miễn dịch dẫn đến tình trạng viêm đường tiêu hóa dai dẳng, tái phát nhiều đợt trên những trẻ có bệnh lý tự miễn.
- Hội chứng ruột ngắn: Trẻ sau phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột gây giảm chiều dài đoạn ruột. Do đó, làm giảm khả năng hấp thu và làm đặc phân so với các trẻ bình thường.
- Dị tật đường tiêu hóa: Bệnh phình đại tràng bẩm sinh, thiếu hụt men lactase bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa acid mật,… Gây tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài, xuất hiện sớm từ giai đoạn sơ sinh.
2.3. Tiêu chảy triệu chứng
Tiêu chảy triệu chứng là tình trạng tiêu chảy không do bệnh lý tại đường ruột, gặp trong bệnh cảnh tại các cơ quan khác. Cơ chế gây bệnh thường liên quan đến phản ứng thần kinh của cơ thể gây rối loạn nhu động ruột. Một số bệnh lý viêm đường hô hấp do virus cũng gây biểu hiện tiêu chảy như viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi,… Nguyên nhân thường gặp do virus Adeno gây bệnh trên cả đường tiêu hóa và hô hấp.
Ngoài ra, trong một số trường hợp tiêu chảy có thể là phản ứng kích thích ống tiêu hóa khi có tình trạng viêm cơ quan lân cận như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm ruột thừa,… Tiêu chảy triệu chứng thường lành tính, tính chất đi ngoài phân lỏng không quá nặng nề và thường hết sau khi điều trị khỏi các bệnh lý liên quan.
3. Tiêu chảy do chế độ ăn uống
3.1. Sai lầm trong chế độ ăn
Một nguyên nhân khác gây tình trạng tiêu chảy ở nhóm trẻ nhỏ có liên quan đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Việc cho trẻ ăn loại thực phẩm không phù hợp với lứa tuổi gây tình trạng rối loạn tiêu hóa. Đồng thời, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Một số trường hợp tiêu chảy liên quan đến chế độ ăn như:
Cho trẻ ăn dặm sớm từ trước 6 tháng tuổi:
Khi đó hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện cả về cấu trúc đường ruột, số lượng cũng như chất lượng các men tiêu hóa để có thể hấp thu thức ăn khác ngoài sữa. Cho trẻ ăn dặm sớm khiến lượng thức ăn đi vào ống tiêu hóa mà không được chuyển hóa thành dạng cơ thể có thể hấp thu, đào thải trực tiếp ra ngoài, gây tình trạng đi ngoài phân lỏng, phân sống.
Thay đổi chế độ ăn đột ngột:
– Cha mẹ đột ngột đổi sữa công thức cho con: Việc đổi sữa mới khiến trẻ bị tiêu chảy có thể do các thành phần mới được thêm trong sữa. Hoặc các thành phần dinh dưỡng của sữa có công thức theo tỷ lệ khác đi. Vì vậy, bé phải có khoảng thời gian để hệ tiêu hóa thích nghi với sự thay đổi này.
– Trẻ ăn dặm quá sớm: ăn dặm quá sớm cũng là nguyên nhân khiến con bị tiêu chảy. Bởi lúc này, hệ tiêu hóa của con còn non nớt và chưa hoàn thiện. Con chưa thích nghi được với thức ăn mới ngoài sữa mẹ. Điều này dẫn đến việc rối loạn hấp thu và gây nên hiện tượng tiêu chảy.
Cho trẻ ăn quá nhiều so với lứa tuổi:
Dạ dày của trẻ phải tiếp nhận một lượng lớn thức ăn gây quá tải cho hệ tiêu hóa. Ruột không đảm bảo được chức năng co bóp và chuyển hóa thức ăn, dẫn đến lượng thức ăn dư thừa chưa được tiêu hóa sẽ bị tống ra ngoài, gây tình trạng phân lỏng.
Chế độ ăn thiếu cân đối các nhóm dinh dưỡng:
Thực đơn dinh dưỡng được tạo nên bởi sự kết hợp 4 nhóm dinh dưỡng chính là glucid (tinh bột), protid (đạm), lipid (dầu mỡ), chất xơ cùng các vitamin và khoáng chất khác. Sự mất cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến nhịp tiết và số lượng các enzyme tiêu hóa như lipase, amylase,… Từ đó, dẫn đến ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất dinh dưỡng của đường tiêu hóa, gây tình trạng đi ngoài phân lỏng.
Tuy nhiên, tiêu chảy có thể gặp khi trẻ bắt đầu có sự thay đổi về chế độ ăn do hệ tiêu hóa chưa kịp thích nghi với sự thay đổi. Trong giai đoạn ăn dặm, cha mẹ cần chú ý thay đổi dần về chế độ ăn để trẻ có thời gian thích nghi và tiêu hóa được tốt.
3.2. Sai lầm khi dùng thuốc
Một nhóm nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy khác có liên quan đến việc sử dụng thuốc. Trẻ thường biểu hiện tiêu chảy sau dùng kháng sinh do sự tác động lên hệ vi khuẩn chí đường ruột. Những kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn đường ruột có thể tiêu diệt chính những vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa và gây tình trạng tiêu chảy.
Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc nhuận tràng cũng gây nên tình trạng tiêu chảy của trẻ. Thuốc nhuận tràng là loại thuốc sử dụng điều trị táo bón, có tác dụng kéo nước vào trong lòng ruột và làm mềm khối phân. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ lại lạm dụng loại thuốc này để cho trẻ dễ đi ngoài, đi ngoài được đều đặn hằng ngày.
4. Biện pháp xử trí tiêu chảy ở trẻ em
Tiêu chảy cấp là tình trạng khá thường gặp ở trẻ em. Cha mẹ có thể theo dõi và điều trị cho trẻ tại nhà bằng cách thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Bổ sung nước, điện giải đúng cách: Trẻ nhỏ bị tiêu chảy có nguy cơ mất nước cao nếu cha mẹ không được bù nước điện giải. ( Tham khảo cách pha chế và sử dụng oresol cho trẻ tiêu chảy tại đây).
- Bổ sung kẽm: Kẽm có khả năng hồi phục niêm mạc đường tiêu hóa bị tổn thương, giúp trẻ nhanh khỏi bệnh tiêu chảy.
- Bổ sung men vi sinh: Bổ sung men vi sinh hỗ trợ vi khuẩn chí đường ruột, giúp nhanh cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa.
- Sử dụng thuốc kháng sinh đúng chỉ định: Kháng sinh chỉ được sử dụng khi đã xác định có tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn. Việc lạm dụng kháng sinh có nguy cơ gây tiêu chảy nặng và kéo dài.
- Tránh thức ăn nghi dị ứng: Thông thường, tiêu chảy do dị ứng sẽ tự khỏi sau khi cho trẻ ngừng tiếp xúc với loại thực phẩm nghi ngờ.
- Chế biến thức ăn cho trẻ cần sử dụng các loại thực phẩm tươi sạch, được nấu chín.
- Trong giai đoạn trẻ bị tiêu chảy cần cho trẻ ăn chế độ giàu dinh dưỡng. Tránh bắt trẻ kiêng khem gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Đảm bảo giữ vệ sinh sau khi dọn phân, bỉm cho trẻ.
- Vệ sinh tay sạch sẽ trước khi cho trẻ ăn và sau khi dọn vệ sinh cho bé.
Kết luận
Trên đây là 3 nhóm nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy thường gặp. Mỗi nhóm căn nguyên có cơ chế gây bệnh cũng như biểu hiện bệnh khác nhau. Nguyên nhân gây bệnh cụ thể cần được đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa. Hãy chia sẻ bài viết trên đến bạn bè xung quanh bạn nhé!
Bài viết cùng chủ đề
1, Trẻ bị tiêu chảy: Nguyên nhân, điều trị và phòng bệnh hiệu quả.
2, Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh – Nguy hiểm tiềm ẩn cần được xử lý ngay lập tức !
3, Top 3 nhóm nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ bị tiêu chảy
4, Cảnh báo 3 dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy nặng cha mẹ cần lưu ý!
5, Mách mẹ 10 mẹo chữa tiêu chảy ở trẻ em an toàn, đơn giản đem lại hiệu quả cao!
6, Cách điều trị tiêu chảy ở trẻ em – Hướng dẫn của Bộ Y tế
7, Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?
8, Tiêu chảy cấp ở trẻ em – phác đồ chuẩn theo Bộ Y tế
Tài liệu tham khảo: Diarrhea – Nemours KidsHealth
BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
Giới thiệu “Bộ sản phẩm nhỏ giọt chất lượng cao cho trẻ 0-36 tháng” – Drops Family
Trẻ thiếu sắt có nguy hiểm không? Biến chứng thiếu sắt lâu ngày
Trẻ thiếu sắt nên ăn gì? Top 9 thực phẩm giàu sắt cho trẻ.
15 biểu hiệu trẻ thiếu sắt mẹ cần phải xử lý ngay