Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu phổ biến ở trẻ em, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ thiếu máu thiếu sắt lâu ngày sẽ thấp còi, hay ốm, chậm phát triển trí tuệ,.. Chính vì vậy, cha mẹ cần hiểu về bệnh để biết cách phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh. Từ đó,  có các biện pháp chủ động phòng bệnh hiệu quả cho con.

1. Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em là gì?

Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu thường gặp ở trẻ em. Theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung Ương, thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không có đủ lượng sắt để đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu.

Theo thống kê của cuộc tổng điều tra dinh dưỡng Quốc gia năm 2020, có gần 20 % trẻ dưới 5 tuổi thiếu máu thiếu sắt. Trong đó, nhóm trẻ từ  6 – 24 tháng tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất.. Nhóm trẻ này có tốc độ phát triển cơ thể mạnh mẽ kèm theo sự thay đổi trong chế độ ăn gây tình trạng thiếu hụt sắt trong cơ thể.

Nhu cầu sắt của cơ thể thay đổi theo lứa tuổi:

  • Trẻ từ 3 – 12 tháng: nhu cầu hấp thu sắt khoảng 0,7 mg sắt/ ngày.
  • Trẻ từ 1 – 2 tuổi: nhu cầu hấp thu khoảng 1 mg sắt/ ngày.
  • Trẻ trên 2 tuổi: nhu cầu hấp thu sắt tăng dần khoảng 1,8 – 2,4mg sắt/ ngày.

2. Chẩn đoán bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Tình trạng thiếu sắt có thể từ từ xuất hiện và tăng dần trước cơ thể biểu hiện tình trạng thiếu máu rõ ràng để cha mẹ có thể nhận ra và đưa trẻ đi khám. Do đó, để chẩn đoán trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, bác sĩ sẽ cần khai thác kỹ tiền sử bệnh, quá trình biểu hiện bệnh, thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán.

2.1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị thiếu máu thiếu sắt

  • Da xanh xao rõ, môi nhợt, móng tay, móng chân nhạt màu.
  • Trẻ mệt mỏi, dễ cáu gắt, hay quấy khóc, ít hoạt động vui chơi.
  • Ngủ không yên giấc, dễ giật mình khi ngủ.
  • Tóc mọc thưa thớt.
  • Trẻ hay ốm vặt, biếng ăn, dễ bị nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm đường hô hấp,…
  • Trẻ ngừng lớn hoặc chậm tăng cân.
Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em khiến trẻ mệt mỏi, da xanh xao
Trẻ xanh xao, mệt mỏi do thiếu máu thiếu sắt

2.2. Các xét nghiệm để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

  • Xét nghiệm công thức máu có biểu hiện tình trạng thiếu máu với đặc điểm:
  • Thiếu máu hồng cầu nhỏ: MCV < 80 fL.
  • Thiếu máu nhược sắc: MCH < 28 pg.
  • Kích thước tế bào hồng cầu to nhỏ không đều: RDW-CV > 14,5 %.

Sau khi đã khai thác các dấu hiệu nghi ngờ bệnh kèm theo trẻ có biểu hiện các đặc điểm thiếu máu như trên, trẻ sẽ cần làm thêm xét nghiệm chứng tỏ tình trạng thiếu sắt.

  • Xét nghiệm chứng tỏ trẻ bị thiếu sắt:
  • Sắt huyết thanh giảm dưới 10 micromol/L.
  • Dự trữ sắt của cơ thể giảm: chỉ số Ferritin máu giảm dưới 12 microgram/l (với trẻ < 5 tuổi) hoặc dưới 15 microgram/l (với trẻ > 5 tuổi).

3. Tại sao trẻ bị thiếu máu thiếu sắt?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng thiếu sắt ở trẻ. Dưới đây là 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt sắt:

Do cung cấp thiếu sắt:

Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi: nguồn cung cấp sắt cho trẻ chủ yếu là từ lượng sắt dự trữ được tích lũy trong 3-6 tháng cuối thai kỳ + sắt từ sữa mẹ. Do đó, nhóm trẻ sau dễ thiếu máu thiếu sắt:

  • Trẻ sinh non (dưới 37 tuần)
  • Trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai
  • Trẻ sinh đôi, sinh ba.
  • Trẻ trên 4 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn.
  • Trẻ trên 6 tháng tuổi:
  • Trẻ biếng ăn, ăn chay, chế độ ăn dặm nghèo sắt
  • Trẻ uống sữa bò, sữa dê trước 1 tuổi
  • Trẻ bú mẹ hoàn toàn không được bổ sung sắt sau 6 tháng tuổi
  • Trẻ dùng sữa công thức mà thành phần không bổ sung sắt.
Trẻ thiếu máu thiếu sắt do uống sữa công thức không cung cấp chất sắt
Trẻ thiếu máu thiếu sắt do uống sữa công thức không cung cấp chất sắt

Do rối loạn hấp thu sắt:

Tình trạng bệnh lý đường ruột như tiêu chảy kéo dài, hội chứng ruột kém hấp thu, viêm dạ dày,… khiến cho đường tiêu hóa của trẻ không thể hấp thu lượng sắt trong thức ăn. Với nhóm nguyên nhân này, cho dù cha mẹ bổ sung sắt cho trẻ, trẻ vẫn bị tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Do tăng nhu cầu sử dụng:

Trẻ đẻ non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai bị thiếu máu từ giai đoạn sơ sinh nên cần được cung cấp nguyên liệu tạo máu nhiều hơn các trẻ khác. Ngoài ra, có thể gặp ở trẻ lớn trong giai đoạn phát triển nhanh,… mà không được cung cấp đủ nhu cầu cho cơ thể phát triển.

Do mất máu mạn tính:

Nguyên nhân khác gây thiếu máu thiếu sắt là sự mất máu mạn tính, rỉ rả mà không được phát hiện như giun móc, viêm loét dạ dày – tá tràng, polyp ruột,…

4. Ảnh hưởng của bệnh thiếu máu thiếu sắt đến sự phát triển toàn diện của trẻ

Chậm phát triển thể chất:

Thiếu máu thiếu sắt thường diễn biến từ từ, cha mẹ thường khó phát hiện các dấu hiệu bệnh. Khi trẻ bị thiếu máu, lượng hồng cầu trong máu không đủ để thực hiện chức năng vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, khiến các hệ cơ quan thiếu hụt nguồn nuôi dưỡng.Thường trẻ đến khám vì tình trạng chậm tăng cân, chậm lớn và làm xét nghiệm mới phát hiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt.

Trẻ chậm tăng cân do thiếu máu thiếu sắt
Trẻ chậm tăng cân do thiếu máu thiếu sắt

Chậm phát triển vận động:

Sắt là nguyên liệu cấu tạo myoglobin – protein của cơ bắp. Khi cơ thể thiếu sắt, các sợi cơ kém linh hoạt, trẻ giảm vận động, chậm biết ngồi, đi đứng.

Chậm phát triển trí tuệ:

Thiếu máu thiếu sắt gây giảm cung cấp máu cho não gây tình trạng rối loạn chức năng hệ thần kinh. Trẻ mệt mỏi, ngủ không yên giấc, dễ giật mình, quấy khóc. Do đó, trẻ hay cáu gắt, ít vận động, kém linh hoạt, không tập trung khi học, dễ ngủ gật.

5. Điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

Điều trị thiếu máu thiếu sắt ở trẻ phụ thuộc vào mức độ thiếu máu, nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ và các bệnh lý khác kèm theo.

Điều trị thiếu máu thiếu sắt sẽ bao gồm điều trị biến chứng thiếu máu và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt. 

5.1. Truyền máu

Khi trẻ có tình trạng thiếu máu nặng, đe dọa tính mạng do suy giảm chức năng các hệ cơ quan như tim mạch, thần kinh, thận – tiết niệu. Chỉ định truyền máu cho trẻ khi:

  • Hemoglobin < 5 g/dl;
  • Trẻ có biểu hiện tình trạng suy tim do thiếu máu: trẻ mệt nhiều, khó thở, tiểu ít,…

5.2. Bổ sung sắt cho bé bằng đường uống

Trẻ cần được bổ sung sắt dưới dạng các chế phẩm máu để giải quyết tình trạng thiếu máu thiếu sắt trong thời gian ngắn, giúp cơ thể có đủ nguyên liệu tạo máu.

Cha mẹ có thể lựa chọn các chế phẩm sắt bổ sung cho trẻ dưới sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Liều sắt nguyên tố cần bổ sung cho trẻ là 4 – 6 mg sắt nguyên tố/ kg/ ngày, chia 2 – 3 lần trong ngày.

Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn bổ sung sắt cho trẻ bằng đường uống

Cho trẻ bổ sung chế phẩm sắt trong 2 - 3 tháng
Cho trẻ bổ sung chế phẩm sắt trong 2 – 3 tháng

Một số lưu ý khi bổ sung sắt qua đường uống để đạt hiệu quả tối đa:

  • Nên sử dụng các chế phẩm bổ sung sắt lúc đói, cách xa bữa ăn, tốt nhất là uống vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn.
  • Uống viên bổ sung sắt bằng nước đun sôi hoặc nước cam. Không sử dụng nước chè xanh hoặc sữa có chứa canxi uống thuốc để tránh tình trạng tạo phức hợp tannat sắt khó tan, gây giảm hấp thu sắt.
  • Bổ sung vitamin C: Vitamin C có tác dụng khử sắt (III) trong thức ăn (cơ thể không hấp thu được) thành sắt (II) – dạng ion mà đường tiêu hóa hấp thu được. Nên bổ sung 50 – 100 mg vitamin C / ngày để tăng khả năng hấp thu sắt.
  • Một số tác dụng phụ khi bổ sung sắt có thể gặp: đi ngoài phân đen, rối loạn tiêu hóa,… Cha mẹ không nên ngừng bổ sung khi trẻ gặp tình trạng trên.
  • Tình trạng thiếu máu cải thiện, chỉ số hemoglobin máu thường trở về bình thường  sau bổ sung sắt từ 2 – 4 tuần. Tuy nhiên, cần bổ sung sắt kéo dài trong khoảng 2 – 3 tháng.

5.2. Điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt

Bổ sung sắt dưới dạng chế phẩm chỉ có tác dụng điều trị tạm thời. Nếu không tìm và điều trị nguyên nhân gây bệnh thì tình trạng thiếu máu thiếu sắt sẽ không được điều trị triệt để, nguy cơ tái phát cao.

Điều trị một số nguyên nhân gây thiếu sắt ở trẻ:

  • Điều trị bệnh lý mạn tính đường ruột: viêm dạ dày – tá tràng, tiêu chảy kéo dài,…
  • Tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm (với trẻ trên 2 tuổi).
  • Điều chỉnh lại chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi: Bổ sung các thực phẩm giàu sắt vào chế độ ăn cho trẻ từ sau 6 tháng và sử dụng sữa công thức có cung cấp sắt cho trẻ.

6. Phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em

  • Bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều sắt: Thức ăn là nguồn bổ sung sắt chủ yếu cho cơ thể. Một số thực phẩm giàu sắt như thịt bò, thịt lợn, gan, cá,…
Thực phẩm là nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho cơ thể
Thực phẩm là nguồn cung cấp sắt chủ yếu cho cơ thể
  • Phụ nữ có thai và cho con bú cần được bổ sung sắt và có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng để cung cấp đủ sắt cho trẻ từ thời kỳ mang thai, hạn chế nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai và thiếu máu sơ sinh.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu sau sinh.
  • Nếu trẻ không được bú mẹ hoặc lượng sữa mẹ không đủ, cần sử dụng các sản phẩm sữa công thức có thành phần bổ sung sắt cho trẻ.
  • Có thể bổ sung sắt dự phòng cho trẻ nhẹ cân, sinh non,… Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung sắt chủ động cho trẻ.
  • Tẩy giun định kỳ cho trẻ trên 2 tuổi.
  • Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ trong gia đình nên điều trị sớm bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori.

Trên đây là những kiến thức từ chẩn đoán, điều trị đến phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em mà cha mẹ cần biết để phòng bệnh và ảnh hưởng của bệnh đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích trên đến mọi người xung quanh cha mẹ nhé!

Bài viết cùng chủ đề

1, Thiếu máu ở trẻ em: 7 điều cha mẹ cần biết!

2, Thiếu máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả

3, Chẩn đoán và phân độ thiếu máu ở trẻ em

4, 3 cách phân loại thiếu máu ở trẻ em

5, Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Xếp hạng post

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Trả lời