Có nhiều cách phân loại thiếu máu ở trẻ em dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau. Mỗi cách phân loại đều có ưu điểm riêng giúp cho bác sĩ định hướng điều trị phù hợp. Cùng tìm hiểu 3 cách phân loại thiếu máu ở trẻ em qua bài viết dưới đây bạn nhé!

1. Phân loại theo tình trạng lâm sàng

Tùy theo tình trạng của trẻ khi đến khám, bác sĩ sẽ nhận định tình trạng thiếu máu đó là cấp hay mạn tính, trẻ có nguy cơ tiếp tục thiếu máu không và tình trạng thiếu máu có gây đe dọa tính mạng trẻ không. Từ đó, quyết định thái độ xử trí cấp cứu hay điều trị thông thường. Dựa theo tình trạng lâm sàng, thiếu máu được chia làm 2 loại sau:

1.1. Thiếu máu cấp tính

Thiếu máu cấp tính là tình trạng thiếu máu mới xảy ra, gây giảm thể tích tuần hoàn hay số lượng hồng cầu trong máu một cách đột ngột. Cơ thể sẽ biểu hiện tình trạng thiếu máu một cách rầm rộ, rõ ràng và cấp tính.

Các nguyên nhân gây thiếu máu cấp tính như:

  • Vết thương mạch máu lớn gây chảy máu dữ dội, khó cầm.
  • Xuất huyết não: Trẻ biểu hiện tình trạng thiếu máu cấp tính kèm theo đau đầu tăng dần, giảm ý thức, xuất hiện co giật và hôn mê.
  • Cơn tan máu cấp: Các nguyên nhân gây vỡ tế bào hồng cầu hàng loạt, biểu hiện tình trạng thiếu máu cấp. Trẻ đột ngột quấy khóc, kích thích, da xanh xao, nhợt nhạt kèm theo tiểu vàng sậm, nôn, đau bụng.
Chấn thương sọ não: xuất huyết não gây thiếu máu cấp tính ở trẻ em
Chấn thương sọ não: xuất huyết não gây thiếu máu cấp tính ở trẻ em

1.2. Thiếu máu mạn tính

Trẻ thiếu máu mạn tính thường biểu hiện các dấu hiệu của thiếu máu từ từ tăng dần, cha mẹ thường khó nhận thấy do không có triệu chứng rõ ràng.

Các nguyên nhân gây thiếu máu mạn tính thường liên quan đến quá trình sản xuất tế bào hồng cầu. Các nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu mạn tính như:

  • Thiếu máu thiếu sắt.
  • Thiếu máu do giun móc.
  • Thiếu máu do viêm loét dạ dày.
  • Thiếu máu do bệnh lý tủy xương: suy tủy, xơ hóa tùy, thâm nhiễm tủy xương,…

2. Phân loại theo mức độ thiếu máu

Mức độ thiếu máu được đánh giá theo mức độ giảm chỉ số Hemoglobin so với bình thường. Việc phân độ thiếu máu giúp đánh giá bệnh nhân có cần truyền máu hoặc các chế phẩm máu hay không.

Dưới đây là cách phân loại theo mức độ thiếu máu của WHO:

Phân độ thiếu máu ở trẻ em theo HGB - WHO
Phân độ thiếu máu ở trẻ em theo HGB – WHO

3. Phân loại theo các chỉ số thiếu máu

Sau khi hỏi bệnh và thăm khám các dấu hiệu trên lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm công thức máu. Kết quả công thức máu sẽ thể hiện các chỉ số dòng hồng cầu, dựa vào đó mà bác sĩ có thể đánh giá đặc điểm tế bào hồng cầu, giúp phân loại thiếu máu cho bệnh nhân. 

3.1. Theo thể tích trung bình hồng cầu (MCV)

Thể tích trung bình hồng cầu (MCV) dùng để đánh giá kích thước tế bào hồng cầu của trẻ. Bình thường MCV có giá trị trong khoảng 80 đến 100 fl (femtoliter).

  • Thiếu máu hồng cầu nhỏ: được xác định khi MCV dưới 80 fl. Thường gặp trong các bệnh lý thiếu máu dinh dưỡng, thiếu máu thiếu sắt, bệnh Thalassemia,…
  • Thiếu máu hồng cầu to: được xác định khi MCV trên 100 fl. Thường gặp trong bệnh lý thiếu máu do thiếu acid folic, bệnh thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12,…

3.2. Theo lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH)

Huyết sắc tố trung bình hồng cầu là lượng huyết sắc tố (Hemoglobin) trên một đơn vị hồng cầu (RBC). Bình thường MCH có giá trị bình thường trong khoảng 28 – 32 pg.

  • Thiếu máu hồng cầu nhược sắc: được xác định khi MCH dưới 28 pg. Thường gặp trong các bệnh lý gây thiếu máu mạn tính như thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu do giun móc, thiếu máu trong bệnh lý dạ dày ruột,…
  • Thiếu máu hồng cầu đẳng sắc: khi chỉ số MCH trong giới hạn bình thường. Thường gặp trong thiếu máu cấp tính như chảy máu cấp, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não,…

3.3. Theo dải phân bố kích thước trung bình hồng cầu (RDW)

Dải phân bố kích thước trung bình giúp đánh giá độ đồng đều về kích thước tế bào hồng cầu trong máu. Bình thường RDW trong khoảng 11,5 – 14,5%.

Khi RDW tăng trên 14,5%, đồng nghĩa với sự bất thường về kích thước tế bào hồng cầu. Hồng cầu trong máu to nhỏ không đều có thể gặp trong các bệnh lý thiếu máu mạn tính, thiếu máu thiếu sắt, Thalassemia, thiếu máu tan máu,…

Kích thước hồng cầu to nhỏ không đều trong bệnh Thalassemia
Kích thước hồng cầu to nhỏ không đều trong bệnh Thalassemia

3.4. Theo tỷ lệ hồng cầu lưới trong máu (RET)

Hồng cầu lưới là những tế bào hồng cầu non vừa được sản xuất ở tủy xương đưa vào trong máu ngoại vi. Chỉ số hồng cầu lưới giúp đánh giá khả năng sản xuất hồng cầu của tủy xương đáp ứng với mức độ thiếu máu của cơ thể. Bình thường hồng cầu lưới dao động khoảng 3%.

  • Hồng cầu lưới tăng trên 3% thường gặp trong các nguyên nhân gây thiếu máu cấp và tủy xương đang tăng sản xuất tế bào dòng hồng cầu để bù lại lượng máu bị thiếu.
  • Hồng cầu lưới thấp dưới 3% gặp trong các bệnh lý tủy xương, gây giảm chức năng tủy. Tủy xương không đủ khả năng sản xuất tế bào hồng cầu.

4. Một số bệnh lý thiếu máu thường gặp ở trẻ em

4.1. Thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý thiếu máu phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ từ 6 – 18 tháng. Nguyên nhân thường gặp do tình trạng cung cấp sắt thiếu hoặc không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất tế bào hồng cầu.

Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt có biểu hiện da xanh xao, niêm mạc nhợt, yếu cơ, ít chơi, ít vận động, ăn uống kém hơn so với các trẻ khác cùng tuổi.

Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt bằng xét nghiệm công thức máu và định lượng sắt huyết thanh. Đặc điểm của thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ, nhược sắc và kích thước hồng cầu to nhỏ không đều. Định lượng sắt huyết thanh dưới 10 micromol/l.

4.2. Bệnh Thalassemia

Thalassemia là bệnh lý thiếu máu tan máu di truyền, gây giảm hoặc mất khả năng tổng hợp chuỗi globin của huyết sắc tố tế bào hồng cầu.

Bệnh nhân Thalassemia thường biểu hiện tình trạng thiếu máu mạn tính, kèm theo vàng da rõ, gan to, lách to. Những bệnh nhân bị bệnh lâu năm có khuôn mặt bất thường, da vàng sạm do thừa sắt. Chẩn đoán xác định bệnh bằng điện di huyết sắc tố và xét nghiệm gen tìm gen bệnh.

Bệnh nhân Thalassemia sẽ cần truyền máu thường xuyên và thải sắt định kỳ. Những trường hợp nặng có thể cần chỉ định cắt lách hoặc điều trị ghép tế bào gốc.

4.3. Thiếu men G6PD

Bệnh thiếu hụt men G6PD là bệnh thiếu máu tan máu di truyền do đột biến gen trên nhiễm sắc thể giới tính X, chủ yếu gặp ở trẻ trai.

Men G6PD có mặt trên màng tế bào hồng cầu giúp ổn định màng khỏi các tác nhân kích thích. Trong bệnh thiếu men G6PD, hồng cầu vỡ hàng loạt khi gặp các yếu tố kích thích như các loại thực phẩm từ đậu, một số thuốc (salicylat, quinin,…) gây cơn tan máu cấp. Trẻ đột ngột bỏ bú, quấy khóc, kích thích, da nhợt, tiểu vàng sậm.

Chẩn đoán bệnh bằng xét nghiệm định lượng men G6PD. Bệnh không điều trị khỏi hoàn toàn được mà chỉ có thể phòng cơn tan máu cấp bằng cách tránh các yếu tố kích thích gây tan máu theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trẻ thiếu G6PD biểu hiện cơn tan máu cấp sau tiếp xúc với yếu tố kích thích

5. Phòng bệnh thiếu máu

Thiếu máu ở trẻ em có nhiều nguyên nhân, được chia thành các nhóm theo 3 cách phân loại trên. Cha mẹ có thể phòng bệnh thiếu máu cho trẻ theo từng nguyên nhân cụ thể:

  • Tiêm vitamin K cho tất cả trẻ ngay sau sinh để phòng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh.
  • Khuyến khích sàng lọc các bệnh lý di truyền từ khi mang thai và sàng lọc ngay sau sinh, đặc biệt với gia đình có con trước đó mắc bệnh về máu.
Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm một số bệnh về máu
Sàng lọc sơ sinh giúp phát hiện sớm một số bệnh về máu
  • Tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần với trẻ trên 2 tuổi để phòng bệnh thiếu máu do giun móc.
  • Phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý dạ dày để phòng bệnh thiếu máu ác tính do thiếu vitamin B12.
  • Bổ sung sắt, acid folic và các vitamin cần thiết cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho trẻ tuổi dậy thì và trong giai đoạn phát triển cơ thể.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sữa mẹ là công thức hoàn hảo cung cấp lượng sắt cũng như chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ trong thời gian đầu đời.
  • Bổ sung chế độ ăn dinh dưỡng cho trẻ từ tháng thứ 6 theo các nhóm chất dinh dưỡng.

Trên đây là 3 cách phân loại thiếu máu ở trẻ em đơn giản và được áp dụng trong nhiều trường hợp để bác sĩ quyết định hướng điều trị phù hợp cho trẻ. Hãy chia sẻ những thông tin hữu ích trên đến bạn bè xung quanh bạn nhé!

Bài viết cùng chủ đề

1, Thiếu máu ở trẻ em: 7 điều cha mẹ cần biết!

2, Thiếu máu ở trẻ sơ sinh: Dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả

3, Chẩn đoán và phân độ thiếu máu ở trẻ em

4, 3 cách phân loại thiếu máu ở trẻ em

5, Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tài liệu tham khảo: Classification and diagnosis of anemia in children and neonates –
Lanzkowsky’s Manual of Pediatric Hematology and Oncology (Seventh Edition) 2022, Pages 37-59

Xếp hạng post

BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Trả lời